Lịch sử khí tượng Bão Thelma (1991)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào cuối tháng 10 năm 1991, một vùng nhiễu động nhiệt đới xuất hiện trên khu vực gần quần đảo Caroline. Di chuyển chủ yếu về phía Tây, vùng nhiễu động dần phát triển. Trong ngày 31 tháng 10, số lượng mây đối lưu liên kết với hệ thống tăng lên nhanh chóng, thúc đẩy Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) ban hành một Cảnh báo về sự hình thành của xoáy thuận nhiệt đới.[4] Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã phân loại hệ thống là một áp thấp nhiệt đới trong sáng sớm ngày 1 tháng 11, khi đó vị trí của nó cách Palau khoảng 415 km (260 dặm) về phía Bắc - Đông Bắc.[5] Sau đó trong cùng ngày, với sức gió bề mặt ước tính 45 km/giờ (30 dặm/giờ) nguồn gốc dựa từ vệ tinh, JTWC nâng cấp vùng thấp lên thành áp thấp nhiệt đới. Ban đầu, các mô hình dự báo nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo quỹ đạo vòng cung hướng ra phía biển, tuy nhiên, nó đã chuyển hướng Tây trong ngày 2 tháng 11 và đe dọa đến Philippines.[4] Do nằm gần đất nước này, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cũng theo dõi hệ thống và họ đặt cho nó một cái tên địa phương là Uring.[6] Vào cuối ngày 3 tháng 11, áp thấp nhiệt đới chuyển hướng Tây - Tây Nam hướng về Visayas bởi tác động từ một front lạnh đang tiến đến, một điều thường thấy đối với những cơn bão cuối mùa trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.[7] Sang ngày hôm sau, cả JMA lẫn JTWC đều nâng cấp áp thấp nhiệt đới lên thành bão nhiệt đới, và JMA đã chỉ định cho nó tên quốc tế là Thelma.[4][5]

Trong ngày 4 tháng 11, cả hai cơ quan đều báo cáo Thelma đạt đỉnh tại thời điểm vài tiếng trước khi đổ bộ lên Visayas. JTWC ước tính sức gió duy trì liên tục trong một phút tối đa 85 km/giờ (50 dặm/giờ), trong khi JMA ước tính vận tốc gió duy trì 10 phút cao nhất đạt 75 km/giờ (45 dặm/giờ) cùng áp suất khí quyển tối thiểu 992 mbar (hPa; 29,29 inHg).[4][5] Không lâu sau Thelma đổ bộ lên Samar và suy yếu đi một chút, tuy nhiên nó vẫn duy trì cấp độ bão nhiệt đới khi di chuyển qua đảo Palawan trong ngày mùng 6 trước khi tiến vào Biển Đông. Mặc dù quay trở lại biển, nhưng độ đứt gió mạnh không những đã ngăn không cho Thelma tăng cường trở lại mà còn làm cho nó suy yếu xuống áp thấp nhiệt đới trong ngày mùng 7. Tiếp theo áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây và đổ bộ lần cuối lên vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền Nam Việt Nam trong ngày 8 tháng 11. Hệ thống tan vài tiếng sau khi đi vào trong đất liền.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão Thelma (1991) http://tcrr.typhoon.gov.cn/EN/Y2012/V1/I1/23 http://www.abs-cbnnews.com/focus/11/08/13/deadlies... http://baseportal.com/cgi-bin/baseportal.pl?htx=/m... http://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=Tv1R03t... http://news.google.com/newspapers?id=B-dYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=B3IjAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=COdYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=CedYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=KQ8qAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=XO4eAAAAIBAJ&...